Phát triển cao tầng ở bờ tây sông Sài Gòn

Cập nhật: 2017-04-13 17:01:40

Dọc sông Sài Gòn, trải dài từ chân cầu Sài Gòn (Q.Bình Thạnh) đến cầu Tân Thuận (Q.7) hiện có các khu đất lớn như Tân Cảng, Ba Son, công viên Bạch Đằng, khu cảng Q.4.

Theo định hướng, ở khu này (dọc bờ sông Sài Gòn) sẽ hình thành dải công viên văn hóa, giải trí và không gian công cộng từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận.

Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM, trong tương lai đường Tôn Đức Thắng sẽ được ngầm hóa, phía trên đường ngầm là công viên bờ sông, đường Lê Lợi sẽ được kéo dài từ sau Nhà hát TP đến Ba Son với lộ giới 56m…

“Nén” cao ốc ở bờ tây

Theo quy hoạch, Nhà máy đóng tàu Ba Son, cảng Q.4 sẽ được dời ra ngoại thành và lô đất đẹp chạy dọc sông Sài Gòn này sẽ là khu vực phát triển mới đa chức năng. Đây là khu phát triển cao tầng (trên những khu đất cảng hiện nay sau khi di dời) với mật độ xây dựng thấp, theo nguyên tắc chiều cao công trình thấp dần về phía bờ sông.

Những công trình trong khu Tân Cảng đã được dời ra ngoại thành và nơi đây đang mọc lên một dự án đô thị được quảng cáo sẽ là tòa nhà cao nhất VN (81 tầng). Lô đất được xây dựng cao nhất trong khu Tân Cảng theo quy hoạch là 230m, gần đường Điện Biên Phủ (ngay đầu cầu Sài Gòn).

Đây là một trong những ô phố có hệ số sử dụng đất cao nhất trong khu 930ha (12). Nhiều vị trí khác trong khu vực Tân Cảng hiện tại cũng được cho phép xây dựng cao 80-150m. Khu vực giáp bờ sông được bố trí thấp tầng với độ cao khoảng 6m.

Nhiều ô phố trong khu Ba Son cho phép xây dựng cao tối đa 180-220m, hệ số sử dụng đất cao nhất của khu này là 17. Những ô đất gần các tòa nhà cần bảo tồn và bờ sông Sài Gòn chỉ được xây dựng với độ cao 15-35m…

Điểm nhấn của dải đất dọc bờ tây sông Sài Gòn chính là các tòa nhà cao tầng tại các đầu mối giao thông kết nối giữa khu trung tâm hiện hữu và Thủ Thiêm. Bên cạnh đó, nhà thiết kế sẽ bố trí những không gian mở ở những vị trí phù hợp, vừa là nơi thu hút người dân tiếp cận vừa là nơi tổ chức các loại hình sinh hoạt cộng đồng, nơi gặp gỡ, giao lưu của người dân.

Dải cây xanh phía bờ đông

Trong quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, công viên giáp bờ sông Sài Gòn có diện tích khoảng 9ha, trải dài trên 2km. Công viên bờ sông bắt đầu từ trung tâm hội nghị triển lãm phía bắc đến khu thể thao và giải trí phía nam Thủ Thiêm.

Công viên này sẽ là không gian công cộng đa chiều, phục vụ các hoạt động cộng đồng, thư giãn và là một lá phổi xanh không riêng của Thủ Thiêm mà còn là của trung tâm hiện hữu phía bờ tây của TP. Theo một chuyên gia thuộc Sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM, nơi đây còn là một dải công viên đối diện, làm nổi bật cảnh quan kiến trúc của khu vực bờ tây sông Sài Gòn.

Phần giáp sông ở khu đô thị phía nam Thủ Thiêm là một khu rừng sinh thái ngập nước. Ở khu vực này chủ yếu là cây xanh và kiến trúc thấp tầng, mật độ thưa.

“Nếu đứng từ những cao ốc phía trung tâm hiện hữu nhìn sang Thủ Thiêm thì dải công viên – cây xanh này là một đường viền uốn lượn theo độ cong của dòng sông Sài Gòn và ôm lấy bán đảo Thủ Thiêm” – một lãnh đạo Ban quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm cho biết.

Bờ đông sông Sài Gòn từ ranh khu đô thị mới Thủ Thiêm đến chân cầu Sài Gòn hiện nay vẫn còn manh mún, chia cắt bởi những dự án nhà ở hình thành từ rất lâu. Theo UBND Q.2, khu vực này đã có quy hoạch 1/2000 kết nối những dự án hiện hữu giáp sông Sài Gòn để hình thành dải công viên và con đường ven sông.

Một cán bộ Q.2 cho biết: “Do đây là những dự án nhà ở được Nhà nước giao các doanh nghiệp từ trước khi ban hành quy định về hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch trên địa bàn TP nên công viên dọc sông và con đường ven sông cũng to nhỏ, rộng hẹp theo các dự án chứ không được thẳng và đều như những khu vực quy hoạch mới khác”.

Tăng công viên cây xanh, tăng chất lượng cuộc sống

Ông Nguyễn Đăng Sơn – phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng – cho rằng hiện nay diện tích cây xanh trên đầu người ở khu trung tâm TP.HCM chỉ có 2m2/người, rất thấp so với chuẩn chung (10-15m2/người).

Do đó, việc quy hoạch ba khu đất lớn dọc bờ sông Sài Gòn nhất thiết phải dành một phần diện tích để làm công viên cây xanh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong khu trung tâm TP.

Ông Sơn nói theo quyết định về điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM năm 2010, dọc các sông lớn như Nhà Bè, Đồng Nai, Sài Gòn phải làm công viên.

Thế nhưng hiện tại những khu đất dọc bờ sông đang có giá trị kinh tế rất cao nên những người làm quy hoạch sẽ đắn đo khi quyết định cho phần đất nào làm công viên, phần đất nào được xây dựng.

Theo ông Sơn, Nhà nước không nên chỉ tính chuyện kinh tế mà không dành đất tương xứng cho công viên cây xanh để cải tạo chất lượng cuộc sống của người dân TP. Các cơ quan chức năng phải quyết tâm dành đất để làm công viên.

Ông Sơn lưu ý: “Khu vực này là mặt tiền của TP nên những công trình tại đây phải có kiến trúc đẹp, tính thẩm mỹ cao, không làm che khuất tầm nhìn ra bờ sông cũng như cản gió từ sông thổi vào TP”.

Ông Sơn cũng cảnh báo: “Hiện có quá nhiều dự án lấn ra bờ sông do sự quản lý chưa nghiêm thời gian qua. Các cơ quan chức năng phải có biện pháp xử lý những dự án này để tránh sự “so bì” của những nhà đầu tư sau, làm ảnh hưởng đến cảnh quan chung của TP”.

Bạn đang xem tại website : Văn phòng cho thuê quận Tân Bình.com